Mang "Tết nhân ái" đến sớm cho người nghèo

12/12/2022 09:39 AM


Chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn là đạo lý nhân văn sâu sắc của dân tộc Việt Nam, được thực hiện thường xuyên vào mỗi dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Vào những ngày cuối năm, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm luôn có kế hoạch vận động và ủng hộ những phần quà bằng tiền và hiện vật, dành tặng cho các đối tượng còn thiệt thòi trong cuộc sống, để ai cũng được đón Tết, vui Xuân, không để ai bị bỏ lại phía sau...

Những phần quà Tết sớm được trao tặng đã mang lại niềm vui cho nhiều người nghèo.

Chuẩn bị cho Tết nguyên đán Quý Mão 20223, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiên phong "khởi động" chương trình phát động phong trào "Tết nhân ái" Xuân Quý Mão 2023 tại xã Gia Phương (huyện Gia Viễn), với mong muốn triển khai sớm chương trình sẽ lan tỏa sâu rộng phong trào trong các tầng lớp nhân dân, để có thật nhiều người nghèo, cận nghèo, người gặp khó khăn trong cuộc sống được nhận những phần quà sớm, thêm yên tâm, phấn khởi khi Tết đến, Xuân về. 

Cầm trên tay phần quà Tết là số tiền 500 nghìn đồng và túi quà 100 nghìn đồng, bà Hoàng Thị Hạ, 70 tuổi, thôn Văn Hà, xã Gia Phương (huyện Gia Viễn) không khỏi vui mừng, xúc động. 

Bà Hạ vốn là người tàn tật, thuộc hộ nghèo, lại sống đơn thân một mình, nhưng bà chia sẻ, bà không đơn độc. Bà luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội, như chế độ tiền hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước cho người tàn tật, thẻ BHYT miễn phí; đồng quà, tấm bánh, tình yêu thương của bà con, láng giềng trong thôn, xóm...

"Vào dịp Tết nhiều năm nay, tôi đều nhận được sự quan tâm của chính quyền các cấp, bà con làng xóm, đặc biệt là các nhà hảo tâm, tặng tiền và quà bánh, thực phẩm, để tôi có một cái Tết đủ đầy như bao gia đình khác. Năm nay, tôi vui và yên tâm hơn khi còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết, nhưng đã được tặng quà sớm. Tết chưa về nhưng tôi rất yên tâm vì đã có tiền có thể mua sắm đầy đủ hương, hoa, bánh, mứt để bầy biện bàn thờ rồi..." -  bà Hạ vui mừng chia sẻ.

Là 1 trong 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhận được phần quà Tết sớm, em Tạ Anh Đăng, học sinh lớp 7A, Trường THCS Gia Phương thấy rất vui.

Đăng cho biết, bố mẹ em công việc không ổn định, sức khỏe yếu, đi làm ăn xa, mới trở về quê sinh sống, giờ tìm việc làm để nuôi 3 anh em em ăn học không dễ dàng. Nên số tiền và quà được tặng này là niềm vui và phần nào giảm bớt sự lo nghĩ cho bố mẹ em, để ít nhất, các con cũng có được một cái Tết bình thường, đơn giản.

Bà Lê Thị Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Gia Phương cho biết: Qua rà soát, toàn xã có 60 trường hợp hiện đang gặp khó khăn, trong đó có 48 hộ nghèo, cận nghèo và 12 trường hợp học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. 

Để động viên và chia sẻ khó khăn với các đối tượng này khi Tết đến, Xuân về, Hội Chữ thập đỏ xã đã kết nối với Hội Chữ thập đỏ cấp trên và các nhà hảo tâm trao tặng cho mỗi đối tượng 1 suất quà Tết trị giá 600 nghìn đồng. Chính quyền xã sẽ tiếp tục huy động thêm các nguồn tài trợ và trích từ "Quỹ đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" xã để có thêm sự quan tâm, chăm lo cho những người không may mắn vào dịp Tết.

Việc chăm lo Tết cho người nghèo được thực hiện đa dạng, linh hoạt hơn, như hỗ trợ xây nhà mới, sửa nhà….

Năm nay là năm thứ 14, bà Đàm Ngọc Yến, Giám đốc Doanh nghiệp vàng bạc Quang Hưng, thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan) tiếp tục đồng hành cùng chương trình tặng quà Tết cho người nghèo. 

Nhân dịp Tết Quý Mão 2023, bà Yến và các nhà hảo tâm đã dành 250 suất quà, trị giá 100 triệu đồng để tặng cho các đối tượng trên địa bàn trong và ngoài huyện, với mong muốn tiếp tục mang đến niềm vui, tình yêu thương cho những người kém may mắn trong cộng đồng.

Ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" của Hội chữ thập đỏ Việt Nam được khởi xướng từ năm 1999. Trong hơn 20 năm triển khai phong trào, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã kêu gọi, vận động ủng hộ và hỗ trợ hàng vạn suất quà cho người nghèo, gia đình chính sách và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội được đón những cái Tết thêm đủ đầy, trọn vẹn.

Tết Xuân Quý Mão 2023, để thích ứng trước yêu cầu thực tiễn của cuộc sống trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2022-2027, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam quyết định đổi tên phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" thành phong trào "Tết nhân ái". Phong trào được thực hiện có ý nghĩa, với phương châm "Vui Tết cùng với những người khó khăn".

Theo đó, các hoạt động nhân đạo chăm lo cho những người khó khăn trong dịp Tết Quý Mão 2023 được thực hiện đa dạng, linh hoạt, với nhiều hình thức hơn. Như tặng quà; trợ giúp xây dựng nhà mới; sơn, sửa, chỉnh trang nhà cửa nhân dịp Tết; cắt tóc, tặng quần áo mới; tặng bữa cơm, mừng tuổi ngày Tết; tổ chức các hoạt động vui Tết cùng người bệnh; tặng cây, con giống để phát triển kinh tế; tặng thẻ BHYT; viện phí; học bổng.... và mở rộng thêm các đối tượng, để tất cả những người kém may mắn đều được quan tâm, chăm sóc.

Cũng theo ông Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, để thực hiện được mục đích huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đề ra mục tiêu, phấn đấu toàn hệ thống Hội trên địa bàn tỉnh vận động và trao tặng được 10.000 suất quà. Mỗi Hội Chữ thập đỏ huyện, thành phố sẽ vận động được từ 1-1,5 nghìn suất quà; trong đó, 80% tổng số suất quà trị giá từ 600.000 đồng/suất trở lên.

Đồng thời, mỗi huyện, thành phố sẽ tổ chức 1 chương trình "Tết nhân ái" ở tất cả 8 huyện, thành phố để kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của các ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ chương trình. Thời gian vận động là từ ngày 01/01/2023 đến ngày 16/01/2023, trong đó thời gian cao điểm là trong 10 ngày (từ ngày 6/01/2023 đến ngày 16/01/2023).

Những phần quà Tết được vận động, kêu gọi sẽ dành cho các đối tượng: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ có người nhiễm chất độc da cam, người khuyết tật, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn và những nhóm dễ bị tổn thương khác (phụ nữ, trẻ em mồ côi, người cao tuổi, người neo đơn, người bị tai nạn...), người không có điều kiện vui Xuân, đón Tết cùng với gia đình (người già, trẻ mồ côi không nơi nương tựa sống tại các trung tâm nuôi dưỡng tập trung; người vô gia cư, xóm trọ lao động…), cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ có hoàn cảnh khó khăn...

Báo Ninh Bình